Ngày môi trường thế giới: Đừng để đại dịch Covid-19 qua đi, Trái đất lại oằn mình với rác thải nhựa

Thói quen tiêu dùng có thể thay đổi, nhưng nó không nhất thiết đồng nghĩa với việc khiến một xu hướng sống lành mạnh như sống xanh và hạn chế rác thải nhựa chết yểu. Để khi đại dịch qua đi, ta sẽ không phải đối diện với dấu chân hằn lên tự nhiên đến hàng thế kỉ sau của nó.

5/6 hàng năm là ngày môi trường thế giới. Mỗi năm, LHQ sẽ chọn ra 1 chủ đề đại diện cho những vấn đề nóng bỏng mà thế giới đang phải đối mặt. Năm nay, với sự tàn phá nặng nề của đại Covid-19, chủ đề của ngày môi trường là: “Hành động vì thiên nhiên”. 

Xu hướng dập tắt bởi cơn đại dịch

2019 là một năm định hình với xu hướng sống xanh ở Việt Nam: Zero Waste từ một phong cách sống được khuyến khích ở những quốc gia phát triển trở thành trào lưu với người trẻ trong nước, các cửa hàng không bao bì như Lại Đây Refill Station, Zero Waste Việt Nam… có cơ hội quảng bá một phương thức kinh doanh mới gắn với nhận thức cộng đồng; thậm chí một cơn sốt “tẩy chay” lan truyền trên mạng xã hội đi kèm với những chiến dịch vận động doanh nghiệp và nhãn hàng nhất là trong lĩnh vực ẩm thực thích ứng với mô hình giảm thiểu rác thải nhựa.

Tín hiệu tích cực ấy được dự đoán sẽ lan rộng hơn nữa trong năm 2020, cho đến khi đại dịch ập đến, cách ly xã hội trở thành đề tài nóng bỏng hơn cả, các hoạt động tương tác xã hội từ mức hạn chế tối đa trở thành yêu cầu bắt buộc, các nhà hàng, quán ăn đồng loạt từ chối phục vụ tại chỗ nhằm tránh tụ tập đông người và giảm nguy cơ lây lan. Bao bì nhựa một lần nữa trở thành lẽ tất nhiên của đời sống, bởi nó giải quyết những vấn đề nan giải sát sườn: khi nhu cầu tiêu thụ vẫn đang diễn ra, cà phê không uống được ở quán thì vẫn có thể gọi mang về, món ăn ở hàng quán ưa thích cũng có thể được vận chuyển đến tận nhà chỉ sau vài phút sử dụng ứng dụng vận chuyển như Grab hay GoViet. Hàng loạt cửa hàng thời trang, mĩ phẩm phải đồng loạt chọn giải pháp mở cửa hàng online để người tiêu dùng có thể mua sắm trực tiếp trên mạng nếu không muốn kinh doanh đóng băng…

Ngày môi trường thế giới: Đừng để đại dịch Covid-19 qua đi, Trái đất lại oằn mình với rác thải nhựa - Ảnh 1.

Khảo sát được công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho thấy 75% người dân sống ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và Sài Gòn sử dụng dịch vụ đặt mua thức ăn giao đến tận nhà trong giai đoạn cách ly xã hội, trong đó có đến 24% là những người mới bắt đầu tiếp cận hình thức đặt mua hàng trên mạng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 79% số người được khảo sát nói rằng họ đặt thức ăn qua mạng ít nhất 1 lần mỗi tuần. Con số ước tính tăng trưởng lên đến 38 triệu USD trong năm 2020 (theo công ty nghiên cứu Euromonitor) có thể là tín hiệu đáng mừng với thị trường dịch vụ giao thức ăn ở Việt Nam, nhưng lại là tin xấu với hiện trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói chung.

Cơn bão đại dịch dường như không phải chỉ mang đến mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng, mà còn dập tắt một xu hướng “sống xanh” nở rộ suốt cả năm trước đó, tạm quên đi ống hút nhựa chiếm phần lớn trong 150 triệu tấn rác thải nhựa trong lòng đại dương, tạm quên con số 1,8 triệu tấn nhựa được thải ra mỗi năm ở Việt Nam trong khi chỉ có 27% trong đó được tái chế (theo số liệu của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc) khiến Việt Nam trở thành quốc gia bị chỉ mặt gọi tên trong danh sách những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ô nhiễm rác thải nhựa trên thế giới…

Ngày môi trường thế giới: Đừng để đại dịch Covid-19 qua đi, Trái đất lại oằn mình với rác thải nhựa - Ảnh 2.

Những con số kinh hoàng ấy tưởng có thể tạo nên cuộc cách mạng nhận thức để biến chuyển từ một xu hướng trở thành thói quen cộng đồng 

Nhưng thói quen chưa kịp hình thành và phổ cập, nhu cầu tiêu thụ bao bì nhựa tăng đột biến chỉ tính riêng trong hai tháng trở lại đây, ứng với từng đơn đặt hàng từ xa của hàng triệu người Việt trong bối cảnh loay hoay thích ứng với cuộc sống “cách ly xã hội” triệt để như lúc này. Việt Nam đang dần khôi phục lại nhịp sống thường nhật, tuy nhiên, đúng với kì vọng và đoán định của giới truyền thông và các chuyên gia từ mọi lĩnh vực, đại dịch Covid-19 đã để lại những đổi thay và chuyển mình lớn lao, trong đó thói quen tiêu thụ của người Việt cũng không phải ngoại lệ.

Theo khảo sát mới nhất được thực hiện bởi Nielsen Vietnam, đại dịch Covid-19 khiến hơn 50% người Việt không còn muốn đến những cửa hàng truyền thống để mua sắm và 25% giảm thiểu thói quen tiêu thụ bên ngoài, điều này đồng nghĩa với việc loại hình kinh doanh truyền thống như siêu thị, chợ, cửa hàng đã, đang và sẽ phải thích ứng với phương thức mua sắm mới này của người tiêu dùng dù muốn hay không. Cách ly xã hội có thể đã không còn là rào cản, nhưng tâm lý người tiêu dùng đang ngày càng hướng đến việc tận dụng sự tiện lợi của mua sắm online, thậm chí cả những người chưa bao giờ mua nhu yếu phẩm và lương thực hàng ngày bao giờ cũng dần chuyển sang hình thức này, kéo theo những trang thương mại lớn như Grab, Be hay Lazada cũng bắt đầu bước chân vào thị trường vận chuyển nhu yếu phẩm hàng ngày ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhu cầu mua sắm thực phẩm qua đặt hàng trên mạng cũng dần trở thành xu hướng “bình thường mới” với nhiều người. Theo Nielsen, có đến 62% khách hàng Việt Nam cho rằng muốn mua đồ về nhà ăn hơn cùng với 19.000 đơn vị kinh doanh nhà hàng quán ăn tham gia vào mạng lưới vận chuyển thực phẩm. Rất ít trong số này thực sự đưa ra giải pháp thiết thực nhằm hạn chế vận chuyển thực phẩm bằng bao bì bằng chất liệu thân thiện với môi trường, nhất là với những nhà hàng bình dân vốn không thể thiếu trong đời sống người Việt.

Với những người quan tâm đến vấn đề môi trường, đây có thể coi là tình thế tiến thoái lưỡng nan, trong khi không có nhiều biện pháp thay thế khả dĩ, ngoài nút lựa chọn khiêm tốn trên ứng dụng Grab Food: “Từ chối sử dụng dao dĩa dùng một lần.” Chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng The Coffee House dù chính thức đưa ống hút sinh hoạt phân hủy thay thế cho ống hút nhựa, vẫn chưa thể nói không với phục vụ cốc nhựa với món uống take-away. Thêm một thực tế nữa có thể khiến cuộc chiến chống lại rác thải nhựa càng trở nên khó khăn hơn cả, theo nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học từ đại học Pennsylvania và George Mason, đồ dùng nhiều lần có nguy cơ truyền nhiễm vi khuẩn cao hơn so với sản phẩm nhựa dùng một lần. Bất cứ ai cũng có thể sử dụng luận điểm này, bởi suy cho cùng, bảo vệ sức khỏe bản thân nên là yếu tố ưu tiên hàng đầu.

Ngày môi trường thế giới: Đừng để đại dịch Covid-19 qua đi, Trái đất lại oằn mình với rác thải nhựa - Ảnh 3.

Tuy nhiên, vẫn còn những giải pháp

Trên thực tế Việt Nam không phải quốc gia duy nhất đau đầu với bài toán nan giải: dùng hay không dùng rác thải nhựa. Hàng loạt thành phố lớn vốn cam kết với sứ mệnh giảm thiểu tiêu thụ nhựa bằng cách đưa những quy định này vào luật như New York hay London cũng phải nới lỏng chính sách này tạm thời trước quan ngại về rủi ro lây nhiễm cho cả nhân viên giao hàng và người tiêu dùng. Dù vậy, theo giáo sư ngành vi sinh vật học Vineet Menachery từ đại học Y Texas, tăng cường bao bì nhựa không nhất thiết giúp giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút trong điều kiện thời tiết và nhiệt độ thuận lợi, trong khi tăng cường việc tẩy rửa với cồn từ 60-70% có thể tiêu diệt được hoàn toàn vi rút trong dưới 60 giây.

Xu hướng sống xanh rõ ràng đang phải đối mặt với nhiều thử thách ở giai đoạn này, nhưng ô nhiễm rác thải vẫn đang từng ngày từng giờ diễn ra. Mới đây, hàng loạt hãng thông tấn lớn nhỏ đưa tin về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đáng báo động ở Thái Lan chỉ trong 2 tháng thực hiện cách ly xã hội, nguyên nhân chủ yếu liên quan trực tiếp đến dịch vụ giao hàng thực phẩm bùng nổ ở quốc gia này. Theo Reuters, một đơn hàng giao thực phẩm ở Thái Lan sử dụng ít nhất 4 sản phẩm được làm bằng nhựa. Thái Lan vốn là quốc gia đóng góp lượng rác thải nhựa lớn thứ 5 trên thế giới với 5.500 tấn chất thải nhựa mỗi ngày, tuy nhiên trong giai đoạn cách ly xã hội vẫn đang kéo dài hiện nay, con số này đã tăng lên đến 6.300 tấn một ngày với 80% trong đó là chai ly nhựa, túi nilon và hộp xốp. Ít ai còn nhớ trước đó không lâu, Thái Lan chỉ vừa mới bắt đầu áp dụng luật hạn chế sử dụng túi nilon toàn quốc. Một cơn đại dịch tràn đến đã đủ để xóa lấp nhanh chóng nhận thức bước đầu về vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa.

Không thể phủ nhận sự cần thiết của việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, đặc biệt trong lĩnh vực y tế giữa cuộc khủng hoảng của nhân loại, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ta cho mình quyền nhắm mắt làm ngơ trước những tác động về lâu dài của chúng tới môi trường và sức khỏe chính mình. Trong khi nhiều người, thậm chí nhiều chính phủ tạm hoãn thi hành lệnh cấm sử dụng bao bì nhựa, nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng virus có thể tồn tại trên bề mặt nhựa lên đến 72 giờ đồng hồ, trong khi chỉ 24 giờ đồng hồ trên bề mặt giấy hay vải. Cách tốt nhất để lối sống xanh này vẫn có thể duy trì là cập nhật thông tin khoa học chính thống và áp dụng nó vào thực tế hàng ngày cũng như lựa chọn những cơ sở dịch vụ ăn uống sử dụng bao bì thân thiện với môi trường.

Ngày môi trường thế giới: Đừng để đại dịch Covid-19 qua đi, Trái đất lại oằn mình với rác thải nhựa - Ảnh 4.

Thói quen tiêu dùng có thể thay đổi, nhưng nó không nhất thiết đồng nghĩa với việc khiến một xu hướng sống lành mạnh như sống xanh và hạn chế rác thải nhựa chết yểu. Nếu không muốn ra ngoài mua sắm, hãy đặt hàng số lượng lớn và lựa chọn những đơn vị sử dụng thùng giấy để vận chuyển, và nấu ăn ở nhà. Nếu không muốn ăn ở quán, hãy mang hộp của bạn đến mua đồ mang về, thực tế giãn cách đã không còn là rào cản, đừng để chính sự an toàn và thuận tiện thoáng chốc trở thành thứ ngăn cách chúng ta với thế giới mà chúng ta nên sống. 

Để khi đại dịch qua đi, ta sẽ không phải đối diện với dấu chân hằn lên tự nhiên đến hàng thế kỉ sau của nó.

(Nguồn: toquoc.vn)

LIÊN HỆ NGAY