Giảm thiểu rác thải nhựa: Thêm hành lang pháp lý

Nhiều nội dung quy định trách nhiệm của người sử dụng, kinh doanh, thu gom vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải nhựa khó phân hủy, đã được nêu chi tiết tại Mục 1, 2, Chương 6 Dự thảo Luật BVMT sửa đổi.
giam thieu rac thai nhua them hanh lang phap ly

Giới thiệu sản phẩm thân thiện môi trường

Thúc đẩy hệ thống phân phối hàng hóa xanh, bền vững

Với chi phí rẻ, túi nilon xuất hiện ở khắp nơi, từ chợ đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, mua sắm lớn… Tuy nhiên, với thành phần polieste, các sản phẩm bao gói và túi nilon đã và đang là vấn nạn cho môi trường. Dù đa phần người tiêu dùng đều biết về tác hại của túi nilon đối với môi trường, nhưng rất nhiều người bỏ qua và mặc nhiên dùng túi nilon như một vật dụng khó có thể từ bỏ hoặc thay thế, bởi rất nhiều lý do.

Trước những báo động về nạn rác thải túi nilon gây hại cho môi trường, nhiều hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam đã “chung tay” thay đổi thói quen sử dụng túi nilon. Các tấm lá chuối xanh mướt gói rau được nhiều siêu thị áp dụng thay thế cho những chiếc túi nilon như thường lệ; một loạt hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, Lottemart… đã áp dụng hình thức gói hàng thân thiện này.

Điển hình như Vinamilk, trước kia, khi có chương trình khuyến mại cho khách hàng mua 2 hoặc 3 lốc sữa, doanh nghiệp này thường dùng băng dính có nguồn gốc polieste thì nay đã thay thế bằng chất liệu giấy. Đồng thời, các đại lý và cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vinamilk không cung cấp ống hút hoặc thìa nhựa dùng một lần cho khách hàng nữa (ngoại trừ khách du lịch sử dụng sản phẩm tại chỗ). Tất cả những thay đổi của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối đã dần được người tiêu dùng hưởng ứng và ủng hộ.

Thay đổi thói quen của người tiêu dùng

TS. Đặng Kim Chi – Chuyên gia tư vấn độc lập – cho rằng, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã có nhiều đổi mới phù hợp với tình hình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc quy định rõ trách nhiệm của người xả thải, yêu cầu người dân phải phân loại rác, trách nhiệm của bên thu gom, vận chuyển, xử lý và của cả chính quyền địa phương đã đang là điều kiện cần để thúc đẩy tiêu dùng xanh, thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Là khách hàng thân thiết của Vinamilk Phan Đình Phùng (Hà Nội), chị Thu Hương rất ủng hộ việc hạn chế sử dụng bao gói, đồ dùng nhựa một lần của Vinamilk. Theo chị, việc in lô gô và hình quảng cáo lên những chụp giấy bao gói các lốc sữa nhìn hấp dẫn hơn so với việc việc dùng băng dính trước kia. Cách làm này của doanh nghiệp không những tăng hiệu ứng quảng bá sản phẩm mà còn bảo vệ môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường sống của người dân.

Không chỉ chủ động sử dụng nguồn vật liệu bao gói tự nhiên, thân thiện với môi trường, một số siêu thị còn có kế hoạch thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng sản phẩm tự nhiên. Saigon Co.op đã gửi văn bản khuyến cáo các nhà sản xuất nghiên cứu ứng dụng nguyên vật liệu, bao bì thân thiện với môi trường; tiết giảm tối đa bao bì nhựa và đưa hẳn nội dung này vào tiêu chí ưu tiên để tiếp nhận sản phẩm mới trong năm nay.

Nhằm thúc đẩy xây dựng mô hình phân phối hàng hóa bền vững, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo phát triển thương mại đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Dự thảo đã đề xuất những giải pháp để phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng chợ.

(Nguồn: congthuong.vn)

LIÊN HỆ NGAY